Đại Cư Sĩ LÝ BỈNH NAM – Vãng sanh lưu lại cả ngàn viên xá lợi

Ngài Lý Bỉnh Nam là vị Thầy vĩ đại của hơn 200 ngàn đệ tử nói chung và của Hòa Thượng Tịnh Không nói riêng. Sau khi Ngài tịch, thiên hạ mến mộ công đức của Ngài nên mỗi ngày có khoảng 600 người đến hộ niệm. Tất cả đều tự động đến, không phải để chia buồn, nói lời rỗng tuếch mà đi xung quanh quan tài hộ niệm. Tiếng niệm Phật không ngừng nghỉ trong suốt 49 ngày.

Người tu theo pháp môn niệm Phật mà không biết gì về Ngài Lý Bỉnh Nam cũng là một điều đáng tiếc.

Ngày nay, đa số Phật tử Việt Nam ở nước ngoài biết được và theo học với một nhà sư Tàu – Hòa Thượng Thích Tịnh Không. Ngài là người đang hoằng dương pháp môn giải thoát mà Đức Phật Thích Ca đã dạy riêng cho chúng sanh thời mạt pháp này.

 Chúng tôi dùng chữ nhà sư Tàu, chẳng phải là chúng tôi phân biệt Tàu hay Việt, nhưng để mọi người thấy, Phật tử Việt Nam không phân biệt Tàu hay Việt. Cũng như chúng ta tu theo Phật, là tu theo ông Phật là người Nepal. Chúng tôi viết điều này ra ở đây để chứng minh Phật tử Việt Nam không phân biệt chấp trước. Tàu, Ấn Độ hay Nepal cũng được, bất cứ ai thấu suốt pháp môn giúp chúng sanh thoát khỏi lục đạo luân hồi thì chúng ta tu theo học. Có dịp chúng tôi sẽ trình bày chỗ chấp của một số người Việt Nam, mà nhiều năm qua làm hại Phật tử Việt Nam rất nhiều. 
         Tài liệu chúng tôi viết về cư sĩ Lý Bỉnh Nam là do cư sĩ Trần Văn Tường ở Úc lấy từ mạng điện toán của chùa Quảng Đức ở Úc gởi tặng chúng tôi.

Lý Bỉnh Nam là một cư sĩ thôi. Nhưng là một cư sĩ vĩ đại đã đào tạo cho chúng sanh thời mạt pháp này một vị Pháp sư lỗi lạc, một Hòa Thượng được người Việt Hoa khắp thế giới ngưỡng mộ. Khi viết về Ngài Lý Bỉnh Nam, có người vẫn chấp, sợ giới thiệu Ngài là một cư sĩ thì làm nhẹ thể vị Hòa Thượng khả kính. Tại vị ấy chấp, chứ Hòa Thượng Tịnh Không vẫn hãnh diện nói, Thầy tôi là một cư sĩ, và khi tôi được ông chấp thuận cho làm học trò, ông buộc tôi phải bỏ tất cả những gì tôi đã học được với hai vị Thầy cũng danh tiếng, đó là Giáo sư Đông Phương Mỹ và Chương Gia Đại Sư, một đại Lạt Ma.  

        Người tu phải nhìn thấu và biết buông xuống. Nếu được như vậy là thấu được điều Phật dạy “Nhứt thiết pháp không! Nhứt thiết pháp tùy tâm tưởng!”.

       Những điều chúng tôi viết, chúng tôi thường nói thẳng điều  mình biết mà không nuôi tâm chê trách ai. Nói để mong Phật giáo Việt Nam ngày mai sẽ vượt lên và mọi người đều buông hết, không chấp trước để cùng lo cho chúng sanh. Cái ta hãy bỏ đi, cái chủng tộc cũng buông đi, để hướng chúng sanh đi đến một đại đồng và siêu thoát.Đây, bài viết về Đại Cư sĩ Lý Bỉnh Namcủa chùa Quảng Đức – Úc Châu

         Cư sĩ Lý Bỉnh Nam thời Dân Quốc, hiệu Tuyết Lư hay Tuyết Tăng; người thành phố Tế Nam tỉnh Sơn Đông. Tự bé, ông đã đỉnh ngộ, hiếu học. Ông chuyên học về pháp luật, chính trị và học cả Trung y, nghiên cứu Phật học: Giáo, Thiền, Tịnh, Mật, ông đều thường tu trì. Ông từng giữ chức giám ngục của huyện Lữ, nhưng nhân từ tột bực, chung thân ăn chay.   

        Ông quy y với vị Tổ thứ mười ba của Tịnh tông là Ấn Quang Đại sư, được ban hiệu là Đức Minh. Ông gắng sức tự hành, dạy người chuyên tu Tịnh nghiệp. Sau ông đáp lời mời, làm bí thư cho vị chủ nhiệm quản trị nhà thờ phụng Đại Thành Chí Thánh Tiên Sư (Khổng Tử).   

        Ông theo chủ nhiệm Khổng Thượng Công (Khổng Đức Thành) thiên di theo chính phủ về Trùng Khánh, sống ở biệt thự Ỷ Lan thuộc núi Ca Nhạc. Mỗi sáng sớm, ông lên chùa Vân Đảnh để lễ tụng, niệm Phật. Ít lâu sau, ông lãnh trách nhiệm giảng dạy cho Phật Học Giảng Diễn Hội của chùa mấy năm, người tin theo rất đông. Năm Dân Quốc 45 (1946), theo Khổng Thượng Công trở về Nam Kinh, ông thường giảng Kinh tại chùa Phổ Tế và Chánh Nhân Liên Xã.   

        Tháng Hai năm Dân Quốc 38 (1949), vào lúc sáu mươi tuổi, ông theo Khổng Thượng Công qua Đài Loan, ngụ tại Thành phố Đài Trung. Vừa mới sắp xếp công vụ xong, ông đã tìm được chùa Pháp Hoa để làm cơ sở hoằng pháp và lập phòng chẩn mạch Trung Y, lập Bồ Đề Y Viện và Thí Y Hội v.v… để chữa trị, hốt thuốc miễn phí. Ông khởi xướng những sự nghiệp hoằng hóa, từ thiện để tiếp dẫn quần cơ đồng tu Tịnh Nghiệp.

         Ông thường nhóm chúng niệm Phật; cử phái viên hoằng pháp đến thăm các nhà giam và những gia đình liên hữu. Do đó, pháp duyên ngày càng rộng rãi; tòa giảng kinh của ông mở rộng đến các chùa Linh Sơn, Bảo Giác, Bảo Thiện v.v… Ông còn khuếch trương những cơ sở truyền giáo khắp cả Tam Đài (Đài Bắc, Đài Trung và Đài Nam), chuyên hoằng dương Tịnh Độ phổ độ chúng sanh.   

       Mỗi năm, cử hành Phật Thất nhiều lần; lần nào ông cũng đích thân chủ trì, ân cần, thiết tha huấn thị. Ông thường soạn các tài liệu Phật học hàm thụ và vấn đáp, soạn các chương trình phát thanh miễn phí gởi tặng các đài phát thanh.   

       Về trước tác có: A Di Đà Kinh Trích Chú Tiếp Mông Kỵ Nghĩa Uẩn (lược chú Kinh Di Đà để những người kém hiểu biết lãnh hội được ý nghĩa sâu xa), Đại Chuyên Học Sinh Phật Học Giảng Tòa (tài liệu giảng dạy Phật học cho sinh viên chuyên ngành Phật học) gồm sáu quyển: Phật Học Vấn Đáp Loại Biên, Hoằng Hộ Tiểu Phẩm Vựng Tồn, v.v… hóa độ nhân gian.         Nhân đó, ở các nơi gần hay xa, mọi người đều được bình đẳng hưởng thụ pháp ích. Sau ông nghỉ việc để tăng thời gian hoằng pháp; luôn luôn khuyên người khác tin sâu nhân quả, già dặn, chắc thật niệm Phật. 

Trong Pháp môn Niệm Phật có hai công phu để hành trì:

1- Tu Phật Thất, dành cho người căn cơ bình thường.

2- Ban Châu Tam Muội, dành cho người siêu việt xuất chúng, có sức khỏe dẻo dai. 

        Hành giả thực hành Ban Châu Tam Muội phải đứng hay đi kinh hành trong thời gian 90 ngày không hề nằm, thường xuyên đắp y hoặc mặc áo tràng. Theo lời kể lại, cư sĩ Lý Bỉnh Nam đã hai lần đạt được Ban Châu Tam Muội. Ngài đã được định rất sâu. Như vậy, có thể Ngài Lý Bỉnh Nam đã đạt được Lý Nhứt Tâm Bất Loạn hoặc Sự Nhất Tâm Bất Loạn.

       Ngày mười hai tháng Tư năm Dân Quốc 75 (1986), ông bảo đệ tử hầu cận:

       – Ta sắp đi đây!  

       Đến sáng hôm sau, ông niệm Phật đến nhất tâm bất loạn, dặn dò đệ tử rồi nằm yên lành mà tịch. Thọ chín mươi bảy tuổi. Sau khi trà tỳ, thu được hơn cả ngàn viên xá lợi ngũ sắc.(theo Lý Công Tuyết Hư Lão Cư Sĩ Lược Sự).  

Hòa Thượng Tịnh Không nói về
Đại Cư sĩ Lý Bỉnh Nam   

        Như chư liên hữu thấy, sau khi vãng sanh, cư sĩ Lý Bỉnh Nam lưu lại hơn cả ngàn viên Xá Lợi ngũ sắc. Đó là kết quả của người thật sự có công phu tu tập trong nhiều năm niệm Phật.

        Rải rác trong các băng giảng, Hòa Thượng Tịnh Không thường nhắc đến vị Thầy vĩ đại của mình. Chúng tôi chẳng nhớ trong băng giảng nào đã ghi ra tài liệu dưới đây: 

        Theo Hòa Thượng Tịnh Không, tướng của Lý Bỉnh Nam không phải là người trường thọ. Vì cái lỗ tai và cái càm ông ngắn không phải là người sống lâu. Nhưng nhờ ông biết làm việc thiện, như chữa bệnh miễn phí cho mọi người, dạy Phật pháp cho mọi người. Sự thu nhập tài chánh của ông rất dồi dào, nhưng ông đem bố thí cho thiên hạ. Ông sống trong một căn nhà nhỏ, không cần người giúp việc hầu hạ. Đến 90 tuổi, ông sống một mình với thân thể khỏe mạnh cường tráng.  

        Phước báu mà ông có chẳng phải là do đời trước mà có. Sau khi học Phật ông mới tu. Phước báu thọ mạng của ông là nhờ tu trong đời này. Đây là điều mọi người chúng ta cần tìm hiểu học hỏi. Nhiều vị chỉ biết khen người, mà không noi theo gương người để áp dụng cho mình, thì lời khen ấy trở thành rỗng không. Ngài Lý Bỉnh Nam vãng sanh vào lúc 97 tuổi. Điều đáng lưu ý, tuy không ai kêu gọi, thiên hạ mến mộ công đức của Ngài, mỗi ngày có khoảng 600 người đến hộ niệm. Tất cả đều tự động đến, không phải để chia buồn, nói những lời rỗng tuếch, mà đi xung quanh quan tài hộ niệm. Tiếng niệm Phật không ngừng nghỉ trong suốt 49 ngày.  

        Hòa Thượng Tịnh Không nói : kết quả mà Ngài Lý Bỉnh Nam đã tu trong đời này. Thông minh trí tuệ do Ngài bố thí pháp. Khỏe mạnh trường thọ là bố thí vô úy. Vô úy mà không não hại tất cả chúng sanh. Tất cả chúng sanh gặp ta có cảm giác an toàn. Đó là vô úy. Ngài Lý Bỉnh Nam có trên 200 ngàn đệ tử. Thật là vĩ đại!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *