Vô vi cư điện các…

Bài đăng trên Giai phẩm Vu lan Phật lịch 2566 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài đăng trên Giai phẩm Vu lan Phật lịch 2566 – Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

 

Hòa thượng Tôn sư đã viếng đền thờ các bậc minh quân thời lập quốc, dâng hương tưởng niệm các vị thiền sư danh tăng các thời đại Đinh, Lê, Lý, và chư vị tổ sư, thiền gia Pháp chủ của Giáo hội. Nhân dịp này, ngài cũng đã nhắc lại công hạnh tu tập, tinh thần hộ quốc an dân và trí tuệ ưu việt của các bậc tiền nhân, khai thị cho hàng hậu học một di sản tâm linh cưu mang những giá trị chân thường, rạng ngời tinh thần Phật giáo và dân tộc trong dòng sử Việt.

Đi vào dòng bất tử…

Mặc dù tuổi đã cao và Phật sự đa đoan, nhưng mỗi năm vào dịp lễ húy nhật chư tôn giáo phẩm lãnh đạo, Hòa thượng Tôn sư đều đích thân đến viếng các tổ đình, bảo tháp, thể hiện tinh thần báo ân đối với các bậc cao tăng tiền bối. Năm nay, chỉ mấy tuần sau khi tham dự phiên họp của Hội đồng Chứng minh tại chùa Vĩnh Nghiêm – TP.HCM, Đức Phó Pháp chủ, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Đàm đã viên tịch.

Do không tham dự lễ tang được nên ngài đã chỉ đạo Thượng tọa Thích Thanh Phong tổ chức chuyến tham bái về chốn Tổ (từ ngày 7 đến ngày 9-6-2022). Trong chuyến đi này, ngài đã đến cố đô Hoa Lư, viếng đền thờ đức vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành, dâng hương tưởng niệm các vị Thiền sư Khuông Việt (Ngô Chân Lưu), Thiền sư Pháp Thuận, Thiền sư Vạn Hạnh…

Trong lịch sử Đại Cồ Việt, đây là các vị đại sư thời danh lỗi lạc, với trí tuệ thâm hậu, đã ứng dụng triết lý Phật giáo vào đời sống thực tiễn để phò vua giúp nước. Trước hương án của các vị Tổ sư, Hòa thượng đã thành kính dâng hương trong khi các vị đệ tử theo ngài cúi đầu phủ phục dâng từng lễ phẩm lên bàn thờ để cúng dường chư lịch đại Tổ sư. Sau đó, Hòa thượng đã ôn lại công đức của các bậc thiền sư đã góp phần hộ quốc an dân trải qua các triều đại.

Cảm nhận được tấm lòng tri ân sâu thẳm đối với các bậc tiền nhân của Tôn sư, chúng tôi đã mạo muội bộc bạch lên ngài: “Bạch Thầy, các vị thiền sư xuất hiện cách đây cả nghìn năm. Có mối giao cảm thầm lặng nào giữa Thầy và chư vị trong các Phật sự hàng ngày?”. Tôn sư nhẹ nhàng trả lời: “Trong thế giới trần tục, với tâm phân biệt con người phân định thời gian và bị thời gian chi phối. Nhưng trong thế giới tâm linh, trong một niệm có cả ba đời. Không có khoảng cách nào trong một niệm nhất tâm. Thiên thu với bây giờ là một. Mặc dù trên thực tế các thiền sư đã viên tịch, nhưng công đức tu hành của các ngài thì bất diệt, vẫn sống mãi với thời gian. Tinh thần hộ quốc an dân của chư liệt vị vẫn luôn soi sáng cho con đường phát triển của lịch sử Phật giáo và dân tộc Việt Nam”.

Nhìn thế sự bằng con mắt thiền

Sau khi dâng hương tưởng niệm, Hòa thượng đã nhắc đến một câu chuyện lịch sử được lưu truyền của các thiền sư thời đấu tranh xây dựng nền độc lập dân tộc. Chuyện kể rằng, khoảng năm 980, khi nhà Tống đưa quân xâm lược nước ta, vua Lê Đại Hành đã thỉnh Thiền sư Vạn Hạnh vào cung để tham vấn. Thiền sư đã khuyên vua rằng không cần đánh trả, trong mấy ngày thì giặc tự rút lui. (Tam thất nhật trung tắc thối). Quả thật như thế, không bao lâu sau đó, quân nhà Tống tự động thối lui.

Hòa thượng dạy rằng: “Các vị thiền sư luôn dùng con mắt thiền để quán chiếu mọi việc trong đời; trên nền tảng của trí tuệ các ngài giáo hóa độ sinh, phò vua giúp nước. Trong bất kỳ tình huống nào các ngài cũng lấy trí tuệ làm ngọn đèn soi sáng cho hành động”. Cũng từ cái nhìn này, ngài dạy thêm rằng: “Ngày nay các thầy làm Phật sự phải luôn noi theo hạnh đức của tiền nhân. Đó cũng chính là niệm Phật, niệm Pháp và niệm Tăng. Phải nỗ lực tu tập thiền quán để thấy rõ các nhân duyên của mọi việc xảy ra trong đời và ứng xử với đời bằng trí tuệ. Nếu không trụ thiền mà hành xử theo ý thức cảm tính của riêng mình thì rất dễ phạm phải sai lầm”.

Ngừng lại trong giây lát, rồi Hòa thượng Tôn sư dạy tiếp: “Trở lại với thời kỳ vàng son của lịch sử Đinh, Lê, Lý, Trần, các thiền sư thể hiện công hạnh độ tha của mình thông qua nhiều vai trò khác nhau. Dù là quốc sư hay là quốc vương, các ngài vẫn luôn lấy thiền định làm nền tảng hành trì. Từ thiền định mà phát sinh trí tuệ, từ trí tuệ các ngài mới có những ứng xử và hành động phù hợp với thực tế. Ngay cả các vị tướng tài ba lỗi lạc được thế giới tôn vinh như Trần Hưng Đạo xưa kia hay Võ Nguyên Giáp thời nay đều là những vị có thiền tâm vững chãi. Qua lịch sử, có thể nói các vị ấy có cái nhìn phi thường, có thể thấu hiểu ngay cả nội tâm, đường đi nước bước của đối phương… Có như vậy mới đi đến thành công”.

Ảnh tác giảCác vị thiền sư luôn dùng con mắt thiền để quán chiếu mọi việc trong đời; trên nền tảng của trí tuệ các ngài giáo hóa độ sinh, phò vua giúp nước. Trong bất kỳ tình huống nào các ngài cũng lấy trí tuệ làm ngọn đèn soi sáng cho hành động.

Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng

Vô vi cư điện các…

Dù thời tiết nắng gắt giữa mùa hạ của Ninh Bình, nhưng khi đi đến mỗi già-lam thánh địa, Hòa thượng Tôn sư đều vận pháp phục trang nghiêm lễ bái cúng dường trước hương án của lịch đại Tổ sư. Nơi nào cũng có hàng trăm Phật tử và dân chúng địa phương xếp hàng cung đón Hòa thượng và chuẩn bị lễ phẩm theo phong tục địa phương để dâng lên chư Tổ. Thời gian không nhiều nhưng ngài vẫn hoan hỷ khai thị cho hàng hậu học những bài học quý giá thông qua hạnh nguyện độ sinh của lịch đại Tổ sư. Sau một ngày dài tham bái, khi về đến hương thất, chúng tôi mới dám thỉnh vấn Tôn sư về dòng chảy tâm linh vô hình bất tuyệt của tiền nhân được biểu hiện trong đời sống thường nhật của chính bản thân ngài.

Chúng tôi thỉnh vấn: “Bạch Thầy, chư vị Tổ sư khi phò vua giúp nước phải ứng dụng trí tuệ phương tiện của các ngài một cách linh hoạt. Giữa thành bại và những điều nan giải trong việc bảo vệ đất nước, trị quốc an dân, tâm hành giả phải trú vào đâu?”.

Hòa thượng dạy: “Thầy vẫn thường xuyên khuyên các huynh đệ phải thực hành Bốn niệm xứ (thân, thọ, tâm, pháp) để vượt qua mọi chướng ngại của phiền não trần lao và an trú trong thực tại Vô ngã, từ đó mới có thể hành đạo được. Không trú trong vô ngã mà làm đạo thì đạo đó trở thành phiền não mà thôi. Khi đã an trú trong vô ngã, từ đó mới có thể sinh khởi tâm đại bi, thực hành các hạnh Ba-la-mật của Bồ-tát, hộ đạo giúp đời, cứu nhân độ thế. Đó cũng chính là cái nền tảng căn bản mà các thiền sư hành đạo. Thiền sư Pháp Thuận một thời đã từng khuyên vua rằng “… Vô vi cư điện các, xứ xứ tức đao binh”. (Khi tâm vô vi an trú trong cung điện thì nơi nơi chốn chốn đều hết đao binh).

Chúng tôi thưa tiếp: “Bạch Thầy, cuộc sống muôn màu muôn vẻ, mọi sự vật hiện tượng đều sinh khởi trong thế giới đối đãi với biết bao sai biệt đa thù, làm thế nào để an trú tâm trong vô vi?”.

Đáp lại, Hòa thượng dạy: “Muốn đạt đến vô vi phải có cái nhìn như thật đối với các pháp. Mỗi lần thầy đi dự hội thảo, lắng nghe những ý kiến khác nhau về một vấn đề. Có những điều thú vị, cũng có những điều chống trái… Nhưng thầy vẫn luôn có cảm giác rằng dường như chúng ta chỉ là những người mù sờ voi. Ai sờ vào cái gì thì cho rằng đó là con voi. Sự thật thì không như thế! Đức Phật dạy hành giả phải cẩn thận, đừng bám víu vào lăng kính kiến văn giác tri (thấy nghe hiểu biết) của mình khi chưa đặt chân đến thế giới thực tại vô ngã. Phải nhớ rằng, kiến văn giác tri của kẻ phàm tục khi chưa đạt đến hay trú ngụ trong thật tướng vô ngã-vô vi thì đều nằm trong chiếc lưới của Phạm thiên”.

Vô vi cư điện các… ảnh 2
Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng tưởng niệm các vị Thiền sư, thăm các đền thờ vua Lê Đại Hành, Đinh Tiên Hoàng tại cố đô Hoa Lư – Ảnh: Lệ Đức

Di sản tâm linh

Sau khi thăm viếng và tưởng niệm, Phật tử Xuân Trường cùng chư Tăng Ni và Phật tử địa phương đã cung rước Hòa thượng về chùa Bái Đính. Tại đây, ngài dâng hương đảnh lễ Tam bảo và liệt vị Tổ sư, chư vị Hòa thượng tiền nhiệm. Sau đó ngài đã trồng cây bồ-đề lưu niệm trong sân chùa và trở về hương thất nghỉ ngơi.

Tranh thủ thời gian quý báu, vắng lặng, chúng tôi đã đến để hầu chuyện và lắng nghe cảm nhận của ngài. Hòa thượng rất hoan hỷ và tri ân hàng Phật tử đã nỗ lực xây dựng những ngôi già-lam danh thắng để kế thừa và phát huy di sản quý báu của các bậc cổ đức. Ngài dạy rằng: “Xây dựng và bảo tồn các khu di tích là việc làm quan trọng cho các thế hệ mai sau. Nhưng duy trì và phát triển tinh hoa trí tuệ và tinh thần của các bậc tiền nhân mới là di sản tâm linh đích thực. Vật chất sẽ mai một theo thời gian, nhưng tư tưởng giác ngộ-giải thoát và hạnh nguyện độ sinh của chư vị Tổ sư sẽ sống mãi với non sông đất nước, vượt ngoài không gian và thời gian”.

Lắng nghe những lời giáo huấn thâm sâu của Hòa thượng Tôn sư giữa cái mênh mông của sông núi khí thiêng, hương trầm tỏa ngát nơi cố đô địa linh nhân kiệt, bỗng dưng chúng tôi nhớ lại câu kệ Thị tịch của Thiền sư Từ Đạo Hạnh, dạy chúng trước khi ngài viên tịch: “… Vị báo môn nhân hưu luyến trước, cổ sư kỉ độ tác kim sư.” (為報門人休戀著,古師幾度作今師) Tạm dịch: “Khuyên các môn hạ thôi luyến tiếc, Thầy xưa một độ hóa thân này”.

Trên đường về, dòng suy nghĩ của chúng tôi mãi vấn vương với câu kệ và thầm lặng cảm nhận rằng dường như có một mối liên hệ tâm linh nào đó giữa hai vị đại sư họ Ngô của một nghìn năm trước và một nghìn năm sau. Thượng tọa Thanh Phong ngồi bên cạnh bất chợt nói rằng: “Thật là một sự trùng hợp thú vị. Một nghìn năm trước đại sư họ Ngô (Khuông Việt đại sư) là vị Tăng thống đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Một nghìn năm sau cũng có một đại sư họ Ngô là Đức đương kim Thiền gia Quyền Pháp chủ (Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng)”…

Dẫu sao công hạnh độ tha của liệt vị Tổ sư và chư tôn đức giáo phẩm hiện nay dù cách nhau cả nghìn năm lịch sử, trải qua bao nỗi thăng trầm của đạo pháp và dân tộc vẫn luôn tỏa sáng trong ngọn đèn thiền-truyền đăng tục diệm, thấm đẫm tinh thần hộ quốc an dân.

Khi hoa phấn nở

Trên đường ra sân bay trở về, đi qua các con đường thênh thang, phố xá sầm uất với những tòa nhà hiện đại cao tầng. Hòa thượng Tôn sư kể lại câu chuyện năm xưa khi ngài còn là một học tăng ở ngôi chùa làng. Ngài kể rằng: “Ngày nay thầy đi đến đâu cũng thấy có đầy đủ các phương tiện. Ngày xưa lúc thầy là ông đạo (chú tiểu) ngay cả cái đồng hồ báo thức hay cái bật lửa cũng không có. Để sớm chiều công phu cho đúng giờ, vào buổi sáng, thầy hái một cái hoa phấn đem cắm vào ly nước. Đến 4 giờ chiều hoa phấn sẽ nở. Mỗi lần thấy hoa nở là biết đến giờ công phu bái sám. Buổi khuya cũng vậy, chùa không có bật lửa nên phải tìm cách giữ lửa từ đầu đêm cho đến mờ sáng.

Hồi đó, thầy đi lượm những quả ổi rừng phơi khô. Trước khi đi ngủ, đốt một quả ổi cho thành than rồi vùi trong tro để giữ lửa. Mỗi sáng thức dậy, bươi than để biết mấy giờ. Khi than ổi tàn hết chỉ còn một chút bằng ngón tay là biết đã đến 3 giờ sáng, giờ công phu khuya. Sau đó, lấy than hồng nhen lửa đốt hương dâng cúng Tam bảo và tụng thời kinh khuya. Nhờ hành trì như vậy từ lúc tuổi thơ mà bây giờ đến 3 giờ sáng là thầy tự động thức giấc. Không cần hoa báo giờ cũng không cần đồng hồ báo thức”.

Nghe Hòa thượng Tôn sư kể mà chúng tôi cảm thấy hổ thẹn vô cùng. Nhưng đấy là một bài học rất ấn tượng về sự tôi luyện đời sống tâm linh và cũng là một sự khổ luyện nên thơ hiếm có trong đời sống của một bậc tu hành đức độ. Chính vì vậy, cho đến bây giờ, mỗi sáng khi trời còn tinh sương, ngài vẫn có thói quen đi thiền hành một mình, rồi hái hoa tươi về cúng Phật, cúng Tổ…

Tấm lòng tri ân công đức đối với lịch đại Tổ sư và các bậc tiền nhân luôn thể hiện trong đời sống hàng ngày của Hòa thượng Tôn sư. Ở tuổi gần chín mươi, nhưng đi đến đâu ngài cũng nhắc lại lịch sử và công hạnh của tiền nhân. Ngài nhắc lại những bài học lịch sử xa xưa một cách sống động, mới mẻ như chuyện của ngày hôm qua. Bởi trong tâm khảm của ngài, đấy chính là một di sản tâm linh vô giá, một nguồn sống chân nguyên linh diệu luôn có mặt trong đời sống hiện tiền, và đấy cũng là ánh sáng của tuệ giác siêu phàm mà ngài mong muốn truyền lại cho các thế hệ hậu học hôm nay và ngày mai.

Những giáo huấn tâm linh sâu sắc của ngài không những là chất liệu thăng hoa cho đời sống tu tập mà còn là bài học nhập thế sinh động cho hàng Tăng Ni trong thời hiện đại. Xin được khép lại đôi dòng suy tưởng nơi đây bằng bài thi kệ Nguyên hỏa của Khuông Việt đại sư:

Mộc trung nguyên hữu hỏa,

Nguyên hỏa phục hoàn sinh.

Nhược vị mộc vô hỏa,

Toàn toại hà do manh?

Tạm dịch:

“Trong cây vốn có lửa

Có lửa, lửa mới sinh

Nếu bảo cây không lửa

Cọ xát cũng lặng thinh”.

Pháp tử Thích Lệ Đức

(Tu viện Thượng Hạnh, Hoa Kỳ)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *